Dropshipping cơ bản

Thuế kinh doanh Dropshipping từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ dành cho công dân Việt Nam

thue kinh doanh droshipping

Cập nhật mới nhất vào: Tháng Năm 27, 2024 by Duy Alex

Trong kinh doanh thì thuế là một vấn đề luôn được quan tâm và không thể tách rời. Người Mỹ có câu nói là: Có hai thứ mà bạn không thể tránh khỏi đó là tuổi già và thuế. Điều đó đã nói lên sự cần thiết và tầm quan trọng của việc hiểu biết về thuế trong kinh doanh.

Đối với mô hình kinh doanh Dropshipping cũng vậy. Nếu bạn muốn đi những bước đi dài hơn và chắc chắn hơn thì bắt buộc bạn phải có kiến thức cơ bản về thuế trong kinh doanh Dropshipping. Đây là lý do bạn đang nhìn thấy bài viết này của tôi.

Nhưng đây cũng là một lĩnh vực rất phức tạp, nó khác nhau ở từng quốc gia, từng bang, từng thời điểm, từng mô hình kinh doanh… Chính vì thế một bài viết là quá nhỏ bé, không thể bao quát hết được. Ở đây tôi sẽ chỉ giới hạn ở trường hợp bạn là người Việt Nam kinh doanh Dropshipping trên Shopify tại thị trường Mỹ và sản phẩm của bạn lấy từ nhà cung cấp Trung Quốc.

Các loại thuế kinh doanh dropshipping từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ

1. Thuế bán hàng (Sales Tax) tại Hoa Kỳ

Thuế bán hàng (Sales Tax) là một loại thuế gián thu (tương tự thuế VAT) được áp dụng trên giá bán của hàng hóa và dịch vụ. Khi người tiêu dùng mua một sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, họ phải trả thêm một khoản tiền thuế bán hàng dựa trên một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá bán. Khoản thuế này sau đó được người bán thu hộ và nộp lại cho cơ quan thuế của chính quyền địa phương hoặc bang.

sale tax

a. Nexus thuế bán hàng

Ở Hoa Kỳ, thuế bán hàng (sales tax) được áp dụng ở cấp độ bang, và các bang có quyền tự quyết định về mức thuế suất cũng như các quy định liên quan. Thuế bán hàng chỉ được áp dụng khi bạn có “nexus” (mối liên hệ thuế) với bang đó.

  • Nexus vật lý: Nếu bạn có văn phòng, nhà kho, nhân viên, hoặc bất kỳ sự hiện diện vật lý nào tại một bang, bạn có thể có nexus tại bang đó.
  • Nexus kinh tế: Một số bang đã áp dụng quy định nexus kinh tế, có nghĩa là nếu doanh số bán hàng của bạn vượt qua một ngưỡng nhất định trong bang đó (thường là 100,000 USD hoặc 200 giao dịch), bạn có nexus kinh tế và phải thu thuế bán hàng tại bang đó. Đây là quy định mà các nhà kinh doanh Dropshipping cần phải quan tâm.

b. Đăng ký và thu thuế bán hàng

Nếu bạn có nexus tại bất kỳ bang nào, bạn cần phải đăng ký mã số thuế bán hàng tại bang đó và thu thuế bán hàng từ khách hàng của bạn. Các bước thực hiện bao gồm:

  • Đăng ký mã số thuế bán hàng: Liên hệ với cơ quan thuế của bang để đăng ký mã số thuế bán hàng.
  • Cài đặt thuế trên nền tảng thương mại điện tử: Sử dụng tính năng thu thuế bán hàng của Shopify hoặc các nền tảng khác để tự động tính toán và thu thuế từ khách hàng.
  • Kê khai và nộp thuế định kỳ: Kê khai và nộp thuế bán hàng cho cơ quan thuế của bang theo định kỳ (thường là hàng quý hoặc hàng năm).

c. Thuế bán hàng là bao nhiêu?

Mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ đặt ra mức thuế bán hàng riêng, thường phụ thuộc vào doanh thu của bạn kiếm được tại từng tiểu bang đó. Thuế suất bán hàng ở Hoa Kỳ dao động từ 0%-9,5%+

Các bang NOMAD: New Hampshire, Oregon, Montana, Alaska và Delaware hoàn toàn không thu bất kỳ khoản thuế bán hàng nào.

Bạn tham khảo ngưỡng phải đóng thuế bán hàng theo từng bang ở thời điểm hiện tại: tại đây

2. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

a. Thuế Liên Bang

Nếu bạn đăng ký doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, bạn sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang hiện tại là 21% trên lợi nhuận chịu thuế.

Lợi nhuận chịu thuế là tổng thu nhập của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý và được chấp nhận theo luật thuế. Đây là số tiền được sử dụng để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

b. Thuế Bang

Ngoài thuế liên bang, bạn cũng có thể phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở cấp độ bang. Mức thuế suất và quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau tùy theo từng bang. Một số bang không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp, chẳng hạn như WyomingSouth Dakota.

c. Đăng ký và kê khai thuế

  • Đăng Ký Mã Số Thuế Liên Bang (EIN): Bạn cần đăng ký mã số thuế liên bang (EIN) với IRS (Internal Revenue Service).
  • Kê Khai Thuế Hàng Năm: Doanh nghiệp của bạn cần nộp báo cáo tài chính và kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm cho IRS và cơ quan thuế của bang (nếu có).

3. Thuế thu nhập cá nhân

Nếu bạn không phải là cư dân thuế tại Hoa Kỳ (ví dụ như bạn không có thẻ xanh và không đáp ứng bài kiểm tra sự hiện diện ở đáng kể ở Hoa Kỳ), bạn sẽ:

  • Nộp thuế thu nhập cá nhân tại Hoa Kỳ chỉ trên thu nhập có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.
  • Nộp thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam trên thu nhập toàn cầu của bạn nếu bạn là cư dân thuế tại Việt Nam.

Việt Nam và Hoa Kỳ có hiệp định tránh đánh thuế hai lần để ngăn ngừa việc cùng một thu nhập bị đánh thuế hai lần bởi cả hai quốc gia. Hiệp định này cho phép bạn hưởng các quyền lợi về miễn thuế hoặc tín dụng thuế.

4. Thuế nhập khẩu và thuế hải Quan

a. Thuế nhập khẩu

Khi bạn nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ, bạn sẽ phải nộp thuế nhập khẩu. Mức thuế suất nhập khẩu phụ thuộc vào loại hàng hóa và quốc gia xuất xứ của hàng hóa.

  • HS Code: Mỗi loại hàng hóa có một mã HS (Harmonized System) khác nhau, và mức thuế suất sẽ được xác định dựa trên mã HS này.
  • Phí Hải Quan: Ngoài thuế nhập khẩu, bạn còn có thể phải nộp các phí hải quan khác như phí xử lý hải quan.

b. Quy trình nộp thuế nhập khẩu

  • Khai Báo Hải Quan: Khi hàng hóa đến Hoa Kỳ, bạn cần khai báo với cơ quan hải quan (Customs and Border Protection – CBP).
  • Nộp Thuế và Phí: Nộp thuế nhập khẩu và các phí hải quan liên quan.

Tuy nhiên, việc bạn kinh doanh với mô hình Dropshipping thì loại thuế này sẽ do nhà cung cấp của bạn tuân thủ và thực hiện.

5. Các loại thuế khác

a. Thuế tiêu thụ đặc biệt

Một số mặt hàng đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá, và ô tô có thể phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế suất tùy thuộc vào loại hàng hóa cụ thể.

b. Thuế giá trị gia tăng (VAT) tại các thị trường khác

Nếu bạn có khách hàng tại các thị trường khác ngoài Hoa Kỳ, bạn cần tìm hiểu về quy định thuế VAT tại các quốc gia đó. Ví dụ, Liên minh Châu Âu (EU) có các quy định về thuế VAT khác nhau tùy theo từng quốc gia thành viên.

6. Các quy định và thủ tục khác

a. Kê khai thuế định kỳ

Bạn cần phải kê khai thuế bán hàng hàng quý và nộp báo cáo thuế hàng năm cho cơ quan thuế tại Hoa Kỳ. Việc kê khai và nộp thuế đúng hạn là rất quan trọng để tránh bị phạt hành chính.

b. Sử dụng hóa đơn điện tử

Mặc dù không bắt buộc tại Hoa Kỳ, việc sử dụng hóa đơn điện tử có thể giúp bạn quản lý tài chính và thuế dễ dàng hơn.

Đăng ký doanh nghiệp tại hoa kỳ cho người nước ngoài

1. Thành lập doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

a. Chọn loại hình doanh nghiệp

Có nhiều loại hình doanh nghiệp tại Hoa Kỳ mà bạn có thể lựa chọn, nhưng hai loại phổ biến nhất là:

  • Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn (LLC): Đây là loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất cho người nước ngoài. LLC cung cấp sự bảo vệ trách nhiệm pháp lý và có cấu trúc thuế linh hoạt.
  • Công Ty Cổ Phần (Corporation):Đây là loại hình doanh nghiệp phức tạp hơn và có thể phù hợp với các doanh nghiệp lớn hơn hoặc có kế hoạch phát hành cổ phiếu.

b. Quy trình thành lập doanh nghiệp

  • Chọn Bang Thành Lập: Một số bang như Montana, Delaware, Wyoming và Nevada được ưa chuộng do các quy định thuận lợi cho doanh nghiệp.
  • Đăng Ký Tên Doanh Nghiệp: Đảm bảo tên doanh nghiệp của bạn chưa được sử dụng và tuân thủ các quy định của bang.
  • Nộp Hồ Sơ Thành Lập: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp và phí liên quan tới văn phòng của bang.
  • Đăng Ký Mã Số Thuế (EIN): Đăng ký mã số thuế với IRS để doanh nghiệp của bạn có thể nộp thuế.

Tham khảo: Dịch vụ đăng ký doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

Kết Luận

Việc hiểu rõ hơn về các khoản thuế cũng như các vấn đề khác sẽ còn rất phức tạp. Tuy nhiên, trong khuôn khổ chia sẻ của tôi riêng về lĩnh vực Dropshipping thì bạn có thể nắm được căn bản thông qua bài viết trên.

Bạn cũng đừng quá lo lắng hay bối rối. Chúng ta có thể tóm gọn lại, việc kinh doanh Dropshipping tại Hoa Kỳ cho công dân không sinh sống tại đây sẽ được áp dụng 3 loại thuế: Thuế bán hàng + thuế thu nhập doanh nghiệp + thuế thu nhập cá nhân.

  • Thuế bán hàng: Chúng ta thu từ khách hàng trên mỗi hóa đơn bán ra và sẽ nộp tùy theo doanh thu mà bạn kiếm được từ một bang nào đó mà đạt ngưỡng. Giả sử tôi có doanh thu 1 triệu USD từ thị trường Mỹ, nhưng doanh thu trên mỗi bang cụ thể của tôi đều không đạt ngưỡng phải nộp thuế thì tôi sẽ không phải nộp đồng nào cả. Ngược lại, doanh thu của tôi chỉ $100.000 nhưng lại đến từ một bang có ngưỡng $100.000 thì tôi phải đóng thuế trong trường hợp này.
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp: Bạn sẽ đóng thuế này dựa trên lợi nhuận sau khi từ đi tất cả các chi phí: giá gốc, quảng cáo, lương… (Nên có thể nó sẽ không còn bao nhiêu trên giấy tờ)
  • Thuế thu nhập cá nhân: Thuế này về cơ bản là thu nhập trên giấy tờ của bạn và bạn sẽ nộp theo quy định tại quốc gia bạn đang sống, ví dụ như ở Việt Nam.

Bạn cứ tiến hành kinh doanh bình thường, sau năm tài chính bạn sẽ dựa vào thống kê bán hàng của từng bang thông qua Shopify hoặc phần mềm quản lý bán hàng. Từ đây bạn sẽ biết được mình có đạt ngưỡng phải nộp thuế bán hàng hay chưa? Và thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện thay cho bạn.

Trên đây tôi đã giới thiệu đến bạn căn bản về thuế kinh doanh Dropshipping. Nếu bạn kinh doanh với mô hình khác thì bạn cần phải tìm hiểu những nguồn thông tin chuyên sâu hơn.

Chúc bạn thành công!

[Duy Alex]

5/5 - (1 bình chọn)

Thân tặng bạn cuốn Ebook về Dropshipping với Tiktok!

Tải xuống và thực hành nhé.

Gửi nhận xét của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *