Dropshipping cơ bản

Nên kinh doanh Amazon FBA hay Dropshipping?

amazon-fba-hay-dropshipping

Cập nhật mới nhất vào: Tháng Một 25, 2024 by Duy Alex

Nên kinh doanh Amazon FBA hay Dropshipping? đây là một trong những câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được. Đa phần câu hỏi này đến từ những người mới tìm hiểu về kinh doanh trực tuyến ở thị trường nước ngoài, để hiểu rõ hơn tôi sẽ lý giải sự giống và khác nhau giữa hai mô hình này.

Về cơ bản thì đây là hai mô hình kinh doanh trực tuyến hoàn toàn khác nhau cho nên chúng ta không thể so sánh mà chỉ tìm hiểu bản chất của chúng, từ đó sẽ biết được mình phù hợp với mô hình nào để quyết định đầu tư kinh doanh.

Mô hình Dropshipping

Là một hình thức kinh doanh trực tuyến mà người bán không cần phải nhập hàng về kho cũng như khâu vận chuyển đến khách hàng. Khoảng chênh lêch giữa giá bán ra và giá của nhà cung cấp chính là lợi nhuận mà người bán nhận được.

Ưu điểm

  • Chi phí thấp: Đây là đặc điểm nổi bật trong ưu thế của mô hình Dropshipping. Bạn không cần nhập hàng về kho, không phải lo khâu vận chuyển nên sẽ không cần bỏ ra một số vốn lớn ban đầu.
  • Rủi ro thấp: Chính vì không cần bỏ vốn lớn để nhập sản phẩm nên đã hạn chế rủi ro tồn kho.
  • Dễ dàng mở rộng: Do sản phẩm sẽ được vận chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp đến khách hàng của bạn cho nên bạn có thể bán bất kỳ thứ gì và bất kỳ thị trường nào mà bạn muốn.
  • Phù hợp với nhiều người: Do không cần phải đầu tư vốn ban đầu quá nhiều nên mô hình Dropshipping có thể phù hợp với nhiều đối tượng như: sinh viên, người khởi nghiệp, người đang làm công sở… miễn sao họ có máy tính và internet là có thể bắt đầu.

Nhược điểm

  • Lợi nhuận thấp: Việc nhiều người có thể dễ dàng tham gia thị trường dẫn đến việc cạnh tranh cao giữa các sản phẩm phổ biến. Mặt khác, do sản phẩm bạn không nhập về kho với số lượng lớn nên giá gốc sẽ không được ưu đãi dẫn đến giá thành cao. Tuy nhiên, thay vì bạn chọn việc kinh doanh trên eBay, Etsy… nếu bạn chọn mô hình Dropshipping trên Shopify thì vấn đề lợi nhuận sẽ do bạn tự quyết định.
  • Chi phí chạy quảng cáo: Để khách hàng biết và ghé thăm gian hàng của bạn thì bạn cần phải bỏ chi phí để chạy quảng cáo đến tệp đối tượng của mình. Đây chính là khoản tiền mà bạn cần có để đầu tư.
  • Học về marketing online: Có khá nhiều kỹ năng mà bạn cần phải học khi lựa chọn mô hình này như: thiết kế gian hàng, cổng thanh toán, quảng cáo trực tuyến…

Mô hình Amazon FBA

Amazon FBA (FBA là viết tắt của Fulfillment by Amazon), về cơ bản đây là dịch vụ của Amazon giúp cho những ai có sản phẩm sẽ được bán trên sàn TMĐT của họ.

Thông qua FBA Amazon,  bạn sẽ được gửi sản phẩm của mình đến kho của Amazon, khi có đơn đặt hàng họ sẽ đóng gói sản phẩm và vận chuyển đi cho bạn. Amazon cũng chịu trách nhiệm chăm sóc các giao dịch, trả hàng và cũng cung cấp dịch vụ khách hàng đẳng cấp thế giới.

Nếu bất kỳ sản phẩm nào của bạn bị hư hỏng trong quá trình bảo quản hoặc đóng gói, Amazon sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi hoàn cho bạn.

Ưu điểm

  • Khách hàng sẵn có: Ưu điểm lớn nhất của việc bán hàng trên Amazon FBA là lượng khách hàng sẵn có trên toàn thế giới. Khi đăng sản phẩm, bạn sẽ được tiếp cận ngay đến với lượng khách hàng khổng lồ của Amazon và khả năng chuyển đổi nhanh chóng.
  • Amazon xử lý đơn hàng cho bạn: Amazon xử lý mọi đơn đặt hàng từ đóng gói sản phẩm, vận chuyển đến trả hàng. Amazon được biết đến với dịch vụ khách hàng rất tốt và uy tín.
  • Tốn ít thời gian mở rộng thị trường: Sau khi bạn đăng ký và xây dựng xong những bước ban đầu thì việc mở rộng mô hình sẽ diễn ra rất dễ dàng và nhanh chóng.
  • Biên độ lợi nhuận cao: Mặc dù sẽ có nhiều người bán khác cùng sản phẩm như bạn nhưng bạn vẫn sẽ tối ưu được lợi nhuận ở khâu nhập hàng, sản xuất hoặc chiến lược bán giá cao nếu như thứ hạng gian hàng của bạn tốt trên Amazon.

Nhược điểm

  • Chi phí đầu tư cao: Bạn phải nhập một số lượng sản phẩm nhất định vào kho của Amazon trước khi bắt đầu kinh doanh, chính vì vậy bạn cần phải bỏ ra một lượng vốn khá lớn tùy thuộc vào giá trị sản phẩm của bạn. Ngoài ra bạn phải trả các khoản phí như: Lưu kho hàng tháng, phí xử lý đơn hàng, phí loại bỏ hàng tồn kho, phí phạt khi không tuân thủ chính sách dán nhãn…
  •  Dễ bị khóa tài khoảnAmazon nghiêm ngặt trong việc tuân thủ các quy tắc và chính sách của mình. Khi bất kỳ người bán nào bị phát hiện vi phạm các chính sách này, Amazon sẽ tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản bán hàng. Trường hợp không thể mở lại, người bán cần phải tốn nhiều chi phí thu hồi hàng tồn kho.
  • Cạnh tranh cao: Vì là một sàn TMĐT nổi tiếng thế giới nên sẽ có rất nhiều người bán cùng một sản phẩm, chính vì vậy sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.
  • Giới hạn sản phẩm: Không phải bất kỳ sản phẩm nào bạn cũng có thể mang bán trên Amazon. Như đã nói ở trên, bạn sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi chính sách mà Amazon đưa ra.

Kết luận

Như vậy bạn đã hiểu rõ sự khác nhau giữa hai mô hình kinh doanh Dropshipping và Amazon FBA thông qua việc phân tích những ưu và nhược điểm của chúng. Ở đây tôi không thể đưa ra lời khuyên bạn nên theo mô hình nào, nếu bạn thấy mình phù hợp và đủ điều kiện với mô hình nào thì hãy theo đuổi nó. Có rất nhiều người chọn kinh doanh Dropshipping khi ít vốn hoặc thử nghiệm thị trường sau đó họ mới tiến hành kinh doanh trên Amazon.

Đây là một số gợi ý dành cho bạn.

  • Chọn Amazon FBA khi:

+ Bạn đang là một doanh nghiệp sản xuất và muốn đưa sản phẩm ra toàn thế giới

+ Có số vốn để nhập hàng với số lượng lớn và duy trì nó trên Amazon

+ Bạn không muốn học hoặc bỏ chi phí cho chạy quảng cáo trực tuyến.

  • Dropshipping là tốt nhất cho bạn khi:

+ Bạn mới bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh Quốc tế

+ Bạn muốn hạn chế rủi ro về vốn ban đầu

+ Muốn bán nhiều sản phẩm theo ý thích của mình

+ Sẵn sàng học hỏi về lĩnh vực quảng cáo trực tuyến: Facebook, Google….

Chúc bạn thành công!

[Duy Alex]

5/5 - (1 bình chọn)

Thân tặng bạn cuốn Ebook về Dropshipping với Tiktok!

Tải xuống và thực hành nhé.

Gửi nhận xét của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *