Thanh toán quốc tế

Shopify Payment là gì?

Cập nhật mới nhất vào: Tháng Một 25, 2024 by Duy Alex

Chúng ta có nhiều lựa chọn cổng thanh toán khác nhau trên Shopify. Tuy nhiên lựa chọn cổng nào cho hợp lý, dễ đăng ký, nhận tiền nhanh và ít gặp trục trặc là một việc mất khá nhiều thời gian. Trong bài này tôi sẽ giới thiệu đến bạn cổng thanh toán có tên Shopify Payment.

Chúng ta sẽ tìm hiểu xem Shopify payment là gì cũng như ưu và nhược điểm của cổng thanh toán này.

Shopify Payments là gì? Hệ thống cổng thanh toán Shopify hoạt động như thế nào?

Cổng thanh toán Shopify Payment là một cổng thanh toán nội bộ của Shopify. Nó cũng như các cổng thanh toán khác, là một dịch vụ trung gian bảo mật xử lý thẻ thanh toán của khách hàng với ngân hàng của người bán. Nói đơn giản hơn, cổng thanh toán là nơi khách hàng có thể thanh toán cho người bán đồng thời đảm bảo sự an toàn cho giao dịch của họ. Mời bạn đọc thêm bài viết về cổng thanh toán quốc tế.

Sau khi bạn thiết lập cổng thanh toán trên trang web thương mại điện tử của mình, khách hàng đặt hàng và sẽ cung cấp chi tiết thông tin thẻ tín dụng. Cổng thanh toán lấy thông tin này và xác minh thông tin đó với ngân hàng hoặc cổng thanh toán được liên kết. Sau khi xác minh thanh toán, cổng thanh toán sẽ gửi phản hồi trở lại trang web của bạn và thông báo cho họ về việc hoàn tất thanh toán. Sau đó, nó chuyển khoản thanh toán cho bạn. Để hoàn tất giao dịch, bạn sẽ gửi sản phẩm cho khách hàng.

Giao diện thanh toán Shopify Payment

Bằng cách tích hợp cổng thanh toán vào nền tảng của mình, Shopify đã đảm nhận mọi trách nhiệm chuyển khoản thanh toán từ khách hàng đến bạn. Khách hàng không còn bị chuyển hướng đến trang web của bên thứ ba khi thanh toán tại các cửa hàng trên Shopify (ví dụ như Paypal, 2Checkout…). Điều này có nghĩa là:

  • Xử lý thanh toán nhanh hơn.
  • Bảo mật cao hơn.
  • Ít phí (không qua trung gian).

Và một điều quan trọng nữa đó là Shopify Payment được cung cấp bởi Stripe – một trong những bộ xử lý thanh toán nổi tiếng và đáng tin cậy nhất thế giới. Về bản chất, Shopify Payments giống như Stripe được tích hợp vào Shopify và tập trung vào người bán hàng trực tuyến. Bạn xem thêm bài viết: So sánh giữa Shopify payment và Stripe.

Shopify Payment chấp nhận các hình thức thanh toán nào?

Với Shopify Payments, khách hàng của bạn có thể thanh toán bằng các thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ sau:

  • Visa
  • American Express
  • MasterCard
  • Discover
  • Diners Club
  • Elo
  • JCB

Hầu hết các khoản thanh toán ở Hoa Kỳ sẽ đến tài khoản ngân hàng của bạn trong vòng 2-3 ngày làm việc. Hệ thống thanh toán của Shopify không giới hạn khối lượng giao dịch và luôn gửi tiền theo cùng một lịch trình thanh toán miễn là khoản thanh toán trên $1.

Ưu và nhược điểm của cổng thanh toán Shopify Payment?

Hệ thống xử lý thanh toán của Shopify dựa trên công nghệ Stripe. Nhưng nó nhanh hơn, dễ sử dụng hơn và mang lại trải nghiệm tổng thể mượt mà hơn cho cả người bán và khách hàng. Tuy nhiên thì nó cũng có những trở ngại riêng. Chúng ta sẽ xem những ưu và nhược điểm của nó.

Ưu điểm của Shopify Payment:

Ưu điểm nổi bật nhất của Shopify payment so với các cổng thanh toán bên thứ ba có thể tích hợp được trên Shopify là:

  1. Tích hợp đầy đủ:

Hệ thống xử lý thanh toán Shopify tích hợp đầy đủ vào nền tảng. Do đó, khách hàng của bạn không phải rời khỏi trang web của bạn trong quá trình thanh toán như qua Paypal, 2Checkout… Nó làm cho toàn bộ quy trình được sắp xếp hợp lý và suôn sẻ hơn. Khách hàng thường hay khó chịu khi thanh toán mà bị chuyển hướng đến một trang mới và phải thêm nhiều thao tác khó hiểu. Chính vì vậy nó góp phần làm tăng tỷ lệ chuyển đổi – giảm bớt khả năng từ bỏ đơn hàng.

Một lợi ích khác của việc tích hợp này của Shopify là bạn có thể theo dõi tất cả các đơn đặt hàng và tài chính của mình từ bảng điều khiển. Thật tiện lợi khi có tất cả các khoản thanh toán với các đơn đặt hàng tương ứng của chúng ở một nơi.

Hệ thống thanh toán của Shopify cũng cho phép bạn tùy chỉnh trang thanh toán của mình. Bạn có thể đặt nhiều loại tiền tệ và ngôn ngữ, đồng thời bật các tính năng bổ sung như thanh toán nhanh cho khách hàng cũ.

  1. Thiết lập nhanh chóng và dễ dàng:

Vì bộ xử lý thanh toán của Shopify tích hợp với hệ sinh thái Shopify nên bạn không cần chờ sự phê duyệt, đánh giá nào từ bên thứ ba nào khác. Nó là một phần của cửa hàng của bạn, vì vậy bạn thiết lập mọi thứ rất dễ dàng. Ngay sau khi thiết lập xong là bạn đã sẵn sàng nhận thanh toán từ khách hàng của mình.

  1. Không tính phí giao dịch

Một ưu điểm dễ nhận thấy khác của cổng thanh toán Shopify là không tính phí giao dịch. Các khoản thanh toán thông qua đơn vị thứ 3 đều phải bị tính phí trên mỗi giao dịch. Khoản phí này giao động khoảng %3 nhưng cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ trong thời gian dài.

  1. Nhiều tùy chọn thanh toán

Với Shopify Payments, bạn có thể có nhiều phương thức thanh toán khác nhau, nghĩa là khách hàng của bạn sẽ có nhiều lựa chọn thanh toán hơn. Tính linh hoạt này giúp cho khách hàng của bạn có thể thanh toán bằng những thẻ hay ví mà họ yêu thích một cách dễ dàng.

  1. Nhận thanh toán nhanh

Nếu như với Paypal hay 2Checkout, thời gian nhận tiền về tài khoản ngân hàng Việt Nam thường là 21 ngày thì với Shopify Payment bạn sẽ không phải chờ lâu như thế. Thời gian trung bình mà bạn nhận được các khoản thanh toán thường là 3 ngày làm việc.

Nhược điểm của Shopify Payment:

Bên cạnh nhiều ưu điểm thì Shopify payment có những nhược điểm như sau:

  1. Giới hạn quốc gia được đăng ký

Mặc dù ở quốc gia nào cũng có thể thiết lập được gian hàng Shopify, tuy nhiên để có thể sử dụng được cổng thanh toán Shopify Payment thì không phải ở đâu cũng có thể sử dụng được.

Hiện tại chỉ những gian hàng có địa chỉ xuất phát từ các quốc gia sau đây mới có thể sử dụng được cổng thanh toán này:

  • Australia
  • Austria
  • Belgium
  • Canada
  • Denmark
  • Finland
  • France
  • Germany
  • Hong Kong SAR
  • Ireland
  • Italy
  • Japan
  • Netherlands
  • New Zealand
  • Singapore
  • Spain
  • Sweden
  • United Kingdom
  • United States

Điều hơi buồn là Việt Nam hiện không nằm trong các quốc gia có thể đăng ký Shopify Payment. Nếu thông tin chủ sở hữu gian hàng của bạn ở Việt Nam thì chỉ có thể dùng Paypal, 2Checkout.

  1. Phí bồi hoàn

Khoản bồi hoàn là khoản phí bạn phải trả sau khi khách hàng đưa ra tranh chấp về giao dịch thẻ tín dụng với ngân hàng của họ. Điều này xảy ra khi người mua chứng minh được rằng có vấn đề với đơn hàng của họ hoặc muốn hủy đơn hàng. Khi điều đó xảy ra, Shopify Payments tính phí người bán, phí này thay đổi theo quốc gia. Ví dụ ở Mỹ là 15 đô la. Nếu bạn thắng một tranh chấp (điều này khá hiếm) thì Shopify sẽ trả lại phí cho bạn. 

  1. Khóa tài khoản

Shopify Payments sẽ đóng băng tài khoản của bạn nếu có quá nhiều khoản bồi hoàn hoặc hoạt động tài khoản đáng ngờ. Thông thường, các khoản bồi hoàn sẽ được giải quyết nhanh chóng và bạn sẽ nhận được tiền của mình trong lần thanh toán tiếp theo. Trong trường hợp điều tra hoạt động tài khoản đáng ngờ hoặc trì hoãn với khoản bồi hoàn, tiền của bạn sẽ vẫn bị giữ cho đến khi Shopify giải quyết xong.

  1. Giới hạn nền tảng thương mại điện tử

Nếu như bạn có cổng thanh toán Paypal, 2Checkout, Stripe… thì bạn không những gắn được vào trang web Shopify mà bạn còn có thể liên kết vào các nền tảng thương mại điện tử khác như Woocommerce, Wix… Đối với Shopify Payment, bạn chỉ có thể nhận thanh toán trên nền tảng Shopify mà thôi.

Những sản phẩm bị cấm khi thanh toán qua Shopify Payment

Dịch vụ tài chính và nghề nghiệp

  • Dịch vụ tín dụng và đầu tư
  • Dịch vụ tiền và pháp lý
  • Tiền ảo

Các sản phẩm và dịch vụ được quản lý hoặc bất hợp pháp

  • Nội dung và dịch vụ người lớn
  • Hàng giả hoặc trái phép
  • Bài bạc
  • Sở hữu trí tuệ hoặc vi phạm quyền sở hữu
  • Các sản phẩm hoặc dịch vụ được quản lý hoặc bất hợp pháp
  • Lệnh trừng phạt

Các sản phẩm hoặc dịch vụ bị pháp luật hoặc các đối tác tài chính của Shopify nghiêm cấm

  • Aggregation
  • Dụng cụ dùng thuốc
  • Doanh nghiệp rủi ro cao
  • Tiếp thị đa cấp
  • Dược phẩm giả
  • Hoạt động truyền thông xã hội
  • Các chất được thiết kế để bắt chước các loại thuốc bất hợp pháp
  • Sử dụng Shopify Payments theo cách không phù hợp với mục đích sử dụng hoặc bị cấm
  • Tín dụng trò chơi điện tử hoặc thế giới ảo

Các hành vi không công bằng, lợi dụng hoặc lừa đảo

  • Cơ hội đầu tư hoặc các dịch vụ khác mang lại phần thưởng cao
  • Xuất bản báo lá cải hoặc các trang web xóa nợ xấu tín dụng
  • Dịch vụ không có giá trị gia tăng

Shopify Payment và Shop Pay

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa Shopify Payment với Shop Pay. Vậy chúng có gì khác nhau?

Shop Pay trước đây là Shopify Pay, là tính năng thanh toán nhanh thông qua “nút thanh toán” mà khách hàng nhìn thấy khi mua hàng từ các cửa hàng do Shopify cung cấp. Đây là một phương thức thanh toán thuận tiện cho phép khách hàng lưu thông tin thanh toán của họ để thanh toán nhanh hơn trong các lần mua sau.

Shop Pay là giao diện người dùng và Shopify Payments là bộ xử lý phụ trợ. Để sử dụng nút Shop Pay, trước tiên bạn phải thiết lập Shopify Payments. Nói một cách đơn giản, Shop Pay là nút thanh toán mà khách hàng sử dụng để yêu cầu thanh toán thông qua Shopify Payments.

Kết luận

Trên đây là những thông tin mà bạn cần biết về cổng thanh toán Shopify Paymnet. Bộ xử lý thanh toán của Shopify không có nhược điểm đáng kể ngoại trừ việc nó hạn chế ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Đó là một giải pháp toàn diện tuyệt vời cho cả người bán và người mua.

Hy vọng trong thời gian tới, Shopify Payment sẽ cho phép những người kinh doanh đến từ Việt Nam được tận hưởng cổng thanh toán tuyệt vời này trên nền tảng của mình.

Nếu bạn muốn sở hữu một cổng Shopify Payment chính chủ, bạn có thể sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Xem thêm thông tin.

Chúc bạn thành công!

[Duy Alex]

5/5 - (1 bình chọn)

Thân tặng bạn cuốn Ebook về Dropshipping với Tiktok!

Tải xuống và thực hành nhé.

Gửi nhận xét của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *