Thiết lập gian hàng Tối ưu hóa

Tại sao không có ai mua hàng trên website của bạn?

Cập nhật mới nhất vào: Tháng Một 25, 2024 by Duy Alex

Bạn mới hoàn thành một trang bán hàng và bắt đầu triển khai các hoạt động quảng cáo bán hàng. Bạn kỳ vọng khách hàng sẽ rất thích thú và mua sản phẩm của bạn. Tuy nhiên trái với hy vọng, đã chạy hết một khoản tiền quảng cáo mà không có ai mua hàng trên trang web của mình. Bạn vào đọc báo cáo về lưu lượng truy cập trên trang bán hàng và kết quả quảng cáo của Facebook, tất cả đều tương đối tốt. Vậy tại sao vẫn không ai mua sản phẩm?

Đây là những vấn đề thường xảy ra với tất cả chúng ta.

Bài viết này không chỉ dành cho những ai kinh doanh Dropshipping trên Shopify mà nó phù hợp với nhiều nền tảng và mô hình kinh doanh trực tuyến khác. Tôi sẽ gợi ý cho bạn một vài giải pháp về một số vấn đề cụ thể như:

  • Nhiều người truy cập nhưng ít lượt thêm vào giỏ hàng
  • Nhiều người thêm vào giỏ hàng nhưng ít đến trang thanh toán
  • Nhiều người đến trang thanh toán nhưng ít thực hiện mua hàng

Bạn cũng lưu ý rằng, nội dung bài viết này sẽ không đề cập đến sản phẩm và quảng cáo, tất cả vấn đề nằm trên trang bán hàng của bạn.

Tìm hiểu về tỷ lệ phần trăm trong phễu bán hàng

Phễu bán hàng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạn không bán được hàng và để tìm hiểu xem đâu là mẫu chốt vấn đề thì bạn cần phải hiểu rõ về phễu bán hàng và tỷ lệ của nó. Từ đây mới có thể tìm ra nguyên nhân để có thể có một giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Như trên hình bạn thấy, một quy trình mua hàng của khách hàng sẽ có 5 bước căn bản. Chúng ta sẽ dựa vào các chỉ số đo lường để biết được vấn đề sẽ nằm ở bước nào.

Với gian hàng Shopify, để cập nhật các chỉ số bán hàng, bạn vào Analytics /dashboard

Chỉ số bán hàng trên Shopify

Khi bạn nhìn thấy những chỉ số này, bạn sẽ tự hỏi; đâu là chỉ số tốt, đâu là chỉ số cần phải cải thiện?

Không có công thức chung, tất cả đều do kinh nghiệm thực tế để bạn đưa ra đánh giá của mình. Ví dụ như tỷ lệ tốt nhất mà tôi mong muốn như sau:

  • Xem nội dung -> Thêm vào giỏ hàng: 8-10%
  • Thêm vào giỏ hàng -> Bắt đầu thanh toán50-60%
  • Bắt đầu thanh toán -> Mua hàng50-60%

Nếu báo cáo kinh doanh của bạn nằm trong khoảng các chỉ số này thì chắc chắn bạn đã đi đúng hướng và có kết quả tốt rồi. Trường hợp xấu hơn thì bạn cần phải bắt đầu công việc tối ưu nó.

Quay trở lại với ví dụ trên, các chỉ số bạn ghi nhận được như sau:

  • Xem Nội dung -> Thêm vào giỏ hàng: 7,37%
    (275 lượt thêm vào giỏ hàng – “Added to cart”)
  • Thêm vào giỏ hàng -> Bắt đầu thanh toán: 152/275 = 55%
    (Chia các phiên “Reached checkout” cho các phiên “Added to cart”)
  • Bắt đầu thanh toán -> Mua hàng: 84/152 = 55%
    (Chia các phiên “Sessions converted” cho các phiên “Reached checkout”)

Chiếu theo công thức ở trên thì có một chỉ số chúng ta cần tối ưu lại đó là: Xem Nội dung -> Thêm vào giỏ hàng.

Như vậy, qua ví dụ trên bạn đã hiểu được cách làm và sử dụng các chỉ số thu nhận được trong việc phân tích đánh giá hiệu quả của quá trình bán hàng trực tuyến trên trang web thương mại điện tử.

Sau đây chúng ta sẽ đi chi tiết từng vấn đề và cách để cải thiện chúng.

Phải làm gì nếu bạn có nhiều khách truy cập nhưng không thêm vào giỏ hàng?

Sản phẩm của bạn nhận được rất nhiều lượt xem nhưng không ai nhấn vào nút “Add to Cart” hoặc tỷ lệ quá thấp. Vậy nguyên nhân vì sao?

Có một số nguyên nhân sau mà bạn cần kiểm tra:

1 – Kiểm tra tồn kho trên gian hàng (Đối với Shopify)

Khi bạn đăng sản phẩm và không chọn chế độ “Continue selling when out of stock” – Vẫn cho đặt hàng trong trường hợp hết tồn kho” thì trường hợp này khách hàng sẽ không đặt được hàng.

Nếu sản phẩm không còn tồn kho, khách truy cập sẽ không thể đưa sản phẩm vào giỏ hàng và sẽ thấy nút đã bán hết:

Để không gặp vấn đề này, bạn phải thường xuyên kiểm tra xem lượng tồn kho bạn đã nhập còn hay không hoặc bật chế độ “Continue selling when out of stock”. Đây là vấn đề khá đơn giản nhưng rất nhiều người mắc phải, nhất là những ai mới bắt đầu.

2 – Làm tăng sự tin tưởng của khách hàng

Khách hàng chỉ mua hàng khi họ tin tưởng vào bạn, cụ thể ở đây là tin vào gian hàng của bạn. Vấn đề này tôi đã đề cập rất nhiều trong các bài viết trước đây, bạn đọc thêm bài viết về 5 mẹo giúp tăng tỷ lệ chuyển đổicách giảm tỷ lệ bỏ rơi đơn hàng. Bạn nên nhớ rằng, gian hàng của bạn không phải eBay hay Amazon nên mặc dù rất yêu thích sản phẩm của bạn nhưng trước khi quyết định mua thì khách hàng sẽ xem xét nhiều yếu tố khác nhau để cảm nhận xem trang bán hàng này có an toàn hay không.

Nếu gian hàng của bạn còn tồn tại những thứ sau đây, hãy thay đổi chúng ngay nhé:

  • Hình ảnh sản phẩm có dấu chìm, logo của người khác, chất lượng thấp
  • Sử dụng mô tả sản phẩm của Aliexpress
  • Có những Collection (bộ sưu tập) trống – không có sản phẩm
  • Lỗi chính tả hoặc ngữ pháp
  • Có quá nhiều cửa sổ được bật lên
Ví dụ một kiểu mô tả sản phẩm không nên sử dụng

3 – Kiểm tra thời gian tải của trang

47% người dùng mong muốn nhìn thấy nội dung trang web trong vòng 2 giây. Và thời gian chờ đợi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc khách hàng thoát trang. Vì vậy bạn cần cải thiện tốc độ trang bán hàng của mình ở mức cao nhất có thể.

Đối với các nền tảng như WordPress, bạn cần đăng ký gói băng thông lớn hơn, vị trí địa lý đặt máy chủ nằm trong vùng thị trường chính, tối ưu dung lượng hình ảnh, loại bỏ các Plugin không cần thiết.

Nếu bạn sử dụng Shopify thì đây là một số việc mà bạn nên làm:

  • Tối ưu hình ảnh: Sử dụng App Crush.pics để giảm dung lượng hình ảnh nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng.
  • Thử nghiệm các theme khác nhau nếu giao diện bạn đang dùng có tốc độ tải chậm
  • Xóa các App không cần thiết
  • Tạo các trang AMP để tăng tốc tải trên các thiết bị di động như: AMP của Shop Sheriff, FireAMP, RocketAMP
  • Xóa các Theme đã tải lên nhưng không dùng

4 – Thiết lập các trang tiêu chuẩn cho gian hàng

Các trang tiêu chuẩn cho cửa hàng trực tuyến như chính sách hoàn lại tiền, chính sách giao hàng và trang liên hệ thực sự có thể làm tăng tỷ lệ thêm vào giỏ hàng của bạn.

Nhiều khách hàng họ luôn tìm hiểu về chính sách đổi trả, thời gian giao hàng hoặc các câu hỏi – đáp có sẵn để hiểu rõ hơn về trang bán hàng của bạn trước khi quyết định mua sản phẩm. Vì vậy có thể nói rằng, đây là những trang không thể thiếu nếu như bạn muốn kinh doanh thành công trên website bán hàng của mình.

Các trang tiêu chuẩn trên một trang bán hàng

9 trang tiêu chuẩn mà bạn nên tạo:

  • Privacy Policy & Terms of Service
  • Return Policy
  • Shipping Policy
  • Contact page
  • About page
  • FAQ page
  • Collection pages
  • Review page
  • Track your order page

5 – Thử giảm giá sản phẩm

Có nhiều người xem sản phẩm nhưng quá ít người thêm vào giỏ hàng thì khả năng khá cao là do giá thành. Có thể sản phẩm bạn kinh doanh đã trở nên phổ biến nên việc bạn để một mức giá quá cao sẽ khiến khách hàng rời đi.

Nếu bạn bán một sản phẩm không quá mới đối với thị trường của bạn thì hãy cân nhắc lại mức giá bán của mình. Bạn nên nhớ rằng, nếu bán các sản phẩm thông thường thì sẽ có nhiều người bán khác giống như bạn vì vậy khách hàng tiềm năng cũng sẽ nắm được mức giá trung bình của sản phẩm đó.

6 – Đặt nút Add to Cart hợp lý

Sản phẩm của bạn có một trang mô tả dài bao gồm chữ và hình ảnh sản phẩm. Khi người xem kéo xuống cuối trang để đọc nó nếu như xuất hiện nút Add to Cart thì rất thuận tiện đúng không?

Nút thêm vào giỏ hàng về cơ bản hoạt động như một lời kêu gọi hành động, liên tục nhắc nhở khách truy cập về bước tiếp theo mà họ nên thực hiện. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thêm một nút thêm vào giỏ hàng cố định có thể tăng doanh số bán hàng của bạn lên đến 8% .

Phương án C là tốt nhất

Với gian hàng Shopify, bạn có thể dễ dàng thêm vào nút Add to Cart ở vị trí mong muốn bằng việc cài các ứng dụng Sticky add to Cart.

Phải làm gì nếu có nhiều người thêm vào giỏ hàng nhưng không đến trang thanh toán?

Bạn biết rằng khách truy cập của bạn quan tâm đến sản phẩm vì bạn có tỷ lệ thêm vào giỏ hàng tuyệt vời, nhưng tại sao rất ít người tiếp tục thanh toán?

Dưới đây là một số điều bạn nên thử và kiểm tra để thu hút khách hàng tiến hành thanh toán:

1 – Thay đổi tệp đối tượng quảng cáo

Có thể bạn đang nhắm đến một tệp đối tượng có thói quen “Add to Cart” nhưng tỷ lệ đến trang thanh toán không cao. Những tệp đối tượng này thường xuyên tương tác trên Facebook nhưng họ không thuộc nhóm có thể dẫn đến chuyển đổi. Thông thường tệp đối tượng này đến từ các quốc gia không phù hợp để kinh doanh Dropshipping. Họ có thể rất thích sản phẩm của bạn nhưng sẽ không mua hàng.

Bạn xem thêm bài viết về các quốc gia có thể kinh doanh Dropshipping

Trường hợp khác, có thể bạn đã nhắm mục tiêu trong quảng cáo Facebook vào các tệp đối tượng có sự kiện “Add to cart” thay vì chuyển đổi – “Purchase”. Nếu đúng như vậy thì Facebook sẽ ưu tiên phân phối quảng cáo của bạn đến những khách truy cập thích hành động thêm vào giỏ hàng hơn là thực sự muốn mua.

Bạn không nên nhắm mục tiêu hành động là Add to Cart

2 – Kiểm tra lại phí vận chuyển trong tổng quan về giỏ hàng

Chi phí vận chuyển cao là một trong những nguyên nhân lớn khiến cho khách hàng không sẵn sàng cho việc thanh toán mua hàng từ bạn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người sẽ rời bỏ giỏ hàng khi không nhìn thấy trước phí vận chuyển.

Vì vậy bạn hãy thêm phí vận chuyển vào trong hóa đơn sợ bộ để khách hàng dễ dàng biết được tổng chi tiêu là bao nhiêu.

Một cách dễ dàng nhất để hiển thị phí vận chuyển trong giỏ hàng là cung cấp giao hàng miễn phí.

Bạn có thể cài ứng dụng Estimated Shipping Cost để cho khách hàng của bạn biết chi phí vận chuyển ước tính của họ dựa trên vị trí IP.

3 – Mua thử

Bạn hãy nhờ ai đó không rành về các kỹ năng mua hàng trực tuyến để mua thử sản phẩm trên gian hàng của bạn để xem mọi hoạt động có diễn ra dễ dàng hay không. Theo một nghiên cứu của eConsultancy25% khách truy cập sẽ từ bỏ giỏ hàng nếu họ buộc phải tạo tài khoản.

Việc ép buộc khách hàng tạo tài khoản trước khi họ đặt hàng thực sự có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi của bạn. Khi nhìn thấy thứ gì đó họ thích, họ muốn thanh toán nhanh chóng và đơn giản, không muốn lãng phí thời gian vào việc tạo tài khoản.

Bỏ đăng ký tài khoản trên Shopify

Để bỏ đăng ký tài khoản trên Shopify, bạn vào Settings -> Checkout -> Customer accounts, chọn Accounts are disabled hoặc Accounts are optional.

Phải làm gì nếu có nhiều lượt khách hàng đến trang thanh toán nhưng không mua hàng?

Trong báo cáo của mình, bạn thấy có rất nhiều lượt truy cập vào trang Checkout nhưng không có lượt mua hàng hoặc tỷ lệ rất thấp. Vậy lý do là gì?

Trong phần này, tôi sẽ điểm qua một số điều bạn nên kiểm tra để cố gắng thu hút khách hàng thanh toán.

1 – Thử mua một đơn hàng xem cổng thanh toán hoạt động tốt không

Nhiều người đã chi ra một số tiền khá lớn để chạy quảng cáo nhưng lại không nhận được đơn hàng nào, khi kiểm tra thì nguyên nhân nằm ở cổng thanh toán mà họ thiết lập. Nó được thiết lập sai cách khiến cho khâu thanh toán của khách hàng không thực hiện được. Đây là một sự lãng phí rất lớn mà không ít người vẫn thường mắc phải.

Vì vậy, nếu bạn gặp phải tình trạng nhiều người vào thanh toán nhưng không nhận được bất kỳ giao dịch mua hàng nào, thì trước tiên hãy kiểm tra xem cổng thanh toán hoạt động đúng hay chưa, thông qua việc mua thử một sản phẩm.

2 – Kiểm tra thuế và phí vận chuyển

Hãy đảm bảo các khoản thuế và phí vận chuyển của bạn đã được thiết lập chính xác. Nói cách khác, hãy đảm bảo rằng khách hàng của bạn không gặp phải các vấn đề như:

  • Không thể mua hàng vì bạn thiết lập khu vực sai trong phần Shipping
  • Hóa đơn thanh toán cuối cùng tăng quá cao do thuế
  • Phí vận chuyển tăng quá cao so với các thông báo trước đó.

Nếu bạn tính phí vận chuyển thì hãy đặt một mức phí phù hợp với khu vực của khách hàng mục tiêu. Trong trường hợp phí vận chuyển của nhà cung cấp quá cao thì bạn có thể cộng một phần vào giá bán để giữ cho phí vận chuyển được ổn định và hợp lý.

3 – Kiểm tra mã giảm giá

Nếu bạn đang có chương trình tặng mã giảm giá, hãy kiểm tra xem nó có hoạt động tốt hay không. Khi nhập mã vào đơn hàng có được giảm không và giảm có đúng cam kết của bạn hay không?

Khách hàng rất thất vọng và rời đi ngay nếu như họ cố gắng nhập mã giảm giá mà không thực hiện được. Họ có thể nghĩ bạn lừa dối hoặc không chuyên nghiệp và không đáng tin cậy.

Kết luận

Những vấn đề mà tôi đã đề cập có thể rất đơn giản nhưng thực tế nhiều người lại rất hay mắc phải và dẫn đến việc không phát sinh đơn hàng trong khi có lượng lớn truy cập. Vì vậy, trước khi tiến hành chạy quảng cáo, bạn nên đảm bảo các mục trên đây hoạt động tốt và đồng thời thường xuyên phân tích các chỉ số bán hàng để nắm được nguyên nhân để khắc phục kịp thời.

Chúc bạn thành công!

[Duy Alex]

5/5 - (1 bình chọn)

Thân tặng bạn cuốn Ebook về Dropshipping với Tiktok!

Tải xuống và thực hành nhé.

Gửi nhận xét của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *