Suy ngẫm: Vị tỷ phú và con gái người đánh cá

Tôi không nhớ mình đã nghe câu chuyện này từ đâu và từ bao giờ, cũng không nhớ tựa đề chính xác của nó. Nhưng nó đã ăn sâu trong trí nhớ và làm thay đổi rất nhiều về cách nhìn nhận về cuộc sống và sự nghiệp của mình kể từ khi ấy. Con người ta đôi khi là như vậy. Đọc hàng trăm cuốn sách, nghe rất nhiều lời khuyên nhưng chưa chắc thay đổi nhanh bằng một mẩu chuyện nho nhỏ vô tình nghe được ở đâu đó.

Nội dung câu chuyện

Một vị tỷ phú nọ đi bộ thư giãn bên bờ biển, ông gặp một cô bé ngồi một mình, đôi mắt đang nhìn ra xa xa như đang chờ đợi điều gì. Ông lại gần và bắt chuyện với cô bé.

“Này cháu, cháu đang ngồi chờ ai ngoài xa thế?”

“Cháu chờ ba đi đánh cá về ạ” – Cô bé lễ phép trả lời

“Ba cháu khi nào mới về?” – Vị tỷ phú hỏi

“Thường ba cháu đi từ 4 giờ sáng và trở về lúc 9h” – Cô bé đáp

“Ba cháu đánh được nhiều cá không?” – Vị tỷ phú hỏi

“Cũng đủ ăn cho cả gia đình và còn một phần để bán ạ” – Cô bé trả lời

“Vậy thời gian còn lại ba cháu sẽ làm gì?” – Vị tỷ phú hỏi

“Ba cháu chơi với cháu, trồng cây và thỉnh thoảng uống chút rượu rồi chơi guitar với bác Duy Alex ở nhà bên” – Cô bé trả lời

Ngồi trầm ngâm một lúc, vị tỷ phú quay sang nói với cô bé.

“Này cháu, ta là một tỷ phú đấy. Và ta có thể giúp cho ba cháu có một cuộc sống khác hơn nếu ông ấy muốn”

“Khác như thế nào thưa bác?” – Cô bé hỏi

“Ta sẽ hướng dẫn ba của con một tư duy mới, cách làm mới. Thay vì chỉ đánh cá vào mỗi buổi sáng, ông ấy sẽ đánh cá nguyên một ngày để kiếm được nhiều tiền hơn. Sau đó ông ấy sẽ mua một con thuyền lớn và ra khơi xa. Với tiền kiếm được từ con thuyền này, ba cháu sẽ sắm thêm vài con thuyền nữa và hình thành một đội tàu đánh bắt xa bờ. Ông ấy sẽ chỉ bán cho các đại lý lớn và dần dần mở hẳn một công ty chế biến thủy sản để xuất khẩu đi nước ngoài. Ông ấy và cháu sẽ từ giã làng chài nhỏ này lên thành phố để thuận tiện cho các giao dịch và phát triển kinh doanh.” – Vị tỷ phú nói

“Rồi sau đó sao nữa ạ?” – Cô bé hỏi tiếp

“Công ty của ông ấy sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán và trở thành tỷ phú như ta đây” – Vị tỷ phú nói

“Vậy mất bao lâu thì ba cháu được như ông nói ạ?” – Cô bé hỏi

“Theo tính toán của ta thì ông ấy sẽ phải cố gắng từ 15 – 20 năm nữa” – Vị tỷ phú trả lời

“Rồi sau đó thì sao ạ?” Cô bé hỏi thêm

“Ba cháu sẽ nghỉ hưu, xây một căn nhà bên bờ biển, thỉnh thoảng đi câu cá, vui đùa cùng con cháu, uống rượu và chơi ghi – ta với bác Duy Alex…” – Vị tỷ phú đáp

“Vậy thì bác ơi, ba cháu sẽ không cần cố gắng trở thành tỷ phú đâu ạ, vì những gì bác nói ông ấy đang có rồi mà!” – Cô gái nói với vị tỷ phú

Ý nghĩa của câu chuyện

Chúng ta hãy bỏ qua tính xác thực của câu chuyện mà cùng bàn luận về ý nghĩa đằng sau nó. Nó hàm chứa nhiều khía cạnh khác nhau về: tiền bạc, hạnh phúc, hoài bão, phong cách sống, sự thành công…

Ba của cô bé và vị tỷ phụ nọ, ai đúng ai sai?

Sẽ có nhiều người chê bai vị tỷ phú kia. Rằng, ông cố gắng lăn lộn với cuộc đời này để làm gì? tiền nhiều để làm gì? cuối cùng cũng trở về với cuộc sống đơn giản như người đánh cá đang có. Ông tin vào khả năng của mình, tin vào con đường của mình và cho đó là đúng đắn nhưng không biết được ý nghĩa thực sự của cuộc đời này là gì.

Lại sẽ có người nói rằng, người ba trong câu chuyện có cuộc sống quá an bài, không có hoài bão để tạo dựng nên những thành quả cho cuộc đời của mình.

Tôi nghĩ rằng, sẽ chẳng có đúng – sai trong câu chuyện này. Cả hai nhân vật đều có chung một điểm đó là đi tìm và xây dựng hạnh phúc của mình dựa trên quan điểm của mỗi người. Đó cũng là những quan điểm khác nhau trong xã hội này.

Vị tỷ phú lựa chọn cách xây dựng hạnh phúc bằng nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ để tạo dựng thành công rồi sau đó nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống an nhàn. Người ba cô bé lại không chọn cách đó, ông ta chọn tận hưởng cuộc sống an nhàn ngay tại thời điểm hiện tại bằng cách làm vừa đủ, sống đơn giản và bình yên. Cả hai đều chấp nhận và hài lòng với lựa chọn của họ.

Tôi cho rằng, nếu xã hội này thiếu đi những người như vị tỷ phú kia thì sẽ không có những nhà máy, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân, tiêu thụ sản phẩm cho cả những người ít tham vọng hơn như người đánh cá để họ có tiền nuôi gia đình.

Tham vọng không hề xấu nếu như nó trở thành động lực và niềm cảm hứng cho xã hội tiến lên, phục vụ lợi ích cho bản thân và cộng đồng. Nhưng tham vọng sẽ trở thành sợi dây thòng lọng tự siết chặt bản thân khi nó ở mức mất kiểm soát, bất chấp luật pháp và đạo đức xã hội.

Nhận xét của cá nhân

Tôi đã từng có một tuổi trẻ đầy những hoài bão vô cùng lớn lao, vì thế tôi hiểu được tầm nhìn và cách nghĩ của vị tỷ phú. Tôi đã từng không hề có khái niệm về hạnh phúc là gì mà chỉ mải mê tìm kiếm mục tiêu và làm sao đạt được mục tiêu của cuộc đời mình.

Tôi cũng có giai đoạn buông bỏ tất cả sau những thất bại, mong muốn một cuộc sống bình yên đơn giản, không phải lo âu, mưu mô với cuộc đời này.

Rồi tôi cũng nhận ra rằng, dù lựa chọn theo cách sống nào cũng đều không phù hợp với bản thân mình. Tôi yêu sự tự do, tự chủ trong cuộc đời nhưng cũng cần có trách nhiệm với gia đình, với người thân yêu. Sẽ không thể lo cho vợ con một cuộc sống bình yên nếu như mình chỉ làm việc vừa đủ, quá nuông chiều cảm xúc và sở thích cá nhân. Nhưng ngược lại, tôi không thể chỉ có biết đến công việc kiếm tiền, thường xuyên phải đi tiếp khách, đi xa nhà và không dành nhiều thời gian cho gia đình của mình.

Cái mấu chốt ở đây chính là tìm được điểm cân bằng của bản thân và quyết tâm thực hiện điều đó. Tìm được sự cân bằng và sống một cuộc sống cân bằng sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với việc chúng ta nghiêng hẳn về một phía. Phải giải quyết được bài toán vừa có cuộc sống tự do tự tại, nhưng vẫn có mức thu nhập như kỳ vọng đó chính là kết quả của sự cân bằng. Đây là kết quả của sự lựa chọn và sự cố gắng!

Hy vọng qua câu chuyện và những chia sẻ của cá nhân tôi bạn cũng sẽ nhìn nhận được rõ hơn về bản thân mình. Bạn đang mang tâm lý của người đánh cá hay vị tỷ phú kia? Bạn chọn cuộc sống của 1 trong 2 hay cố gắng tìm và sống một cuộc đời cân bằng?

Duy Alex

Gửi nhận xét của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *