Dropshipping cơ bản

3 cách gia tăng giá trị thương hiệu cho gian hàng Dropshipping

gian hàng dropshipping

Cập nhật mới nhất vào: Tháng Một 25, 2024 by Duy Alex

Khách hàng mua sản phẩm của bạn vì giá trị mà họ nhận được từ sở hữu sản phẩm đó. Chính vì vậy bạn cần xác định được giá trị mà khách hàng có thể nhận được và giới thiệu nó đến cho họ, như vậy bạn mới có thể thúc đẩy doanh số bán hàng một cách nhanh chóng.

Bán hàng là trao đi giá trị, trao đi giải pháp nhằm giải quyết vấn đề cho khách hàng. Cảm và thực hiện được triết lý này chắc chắn bạn sẽ dễ dàng tìm được sản phẩm cũng như bán được nhiều sản phẩm hơn trong kinh doanh Dropshipping.

Trong bài bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu các cách khác nhau để gia tăng giá trị thương hiệu cho gian hàng Dropshipping, từ đó giúp cho khách hàng cảm nhận tốt hơn về sản phẩm và dịch vụ của bạn.

Làm thế nào để tăng giá trị cho gian hàng Dropshipping?

Có nhiều cách khác nhau để bạn có thể tăng thêm giá trị cho cửa hàng của mình. Những phương pháp này phụ thuộc vào bản chất của sản phẩm và khách hàng mục tiêu của bạn. Không có giải pháp chung cho tất cả vấn đề này.

Ví dụ: in hình siêu anh hùng Marvel trên áo thun là một cách tăng giá trị cho những ai đang muốn mua áo thun và yêu thích Marvel.

Nói chung, bạn có thể tăng thêm giá trị cho cửa hàng của mình bằng cách:

  1. Tăng thêm giá trị cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
  2. Tăng giá trị thương hiệu của bạn.
  3. Tăng giá trị thực và giá trị cảm nhận của sản phẩm của bạn.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn nhé

1. Thêm giá trị cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng

Hầu hết mọi người đều thích ai đó nhớ đến mình, nhất là các cửa hàng họ đã từng mua. Điều này làm họ cảm thấy quan trọng và đúng giá trị khi họ đã chi trả bằng mồ hôi và công sức để kiếm số tiền đó.

Việc đối xử với khách hàng như thể họ là những vị khách đặc biệt sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất để khiến họ quay trở lại. Hãy nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân với tất cả khách hàng của bạn.

Ví dụ, nếu họ mua một đôi giày hôm nay, hãy ghi nhớ kích cỡ giày của họ. Khi họ quay trở lại lần sau, việc bạn nhớ tên và kích cỡ giày của khách hàng sẽ khiến họ cảm thấy vô cùng sung sướng. Đồng thời, bạn có thể hỏi họ về đôi giày màu đen mà họ đã mua trước đó. Điều nhỏ nhặt như vậy thực sự có ý nghĩa quan trọng trong bán hàng.

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng:

– Có một dịch vụ khách hàng tốt

Dịch vụ khách hàng tốt là một vũ khí bí mật. Khách hàng sẽ rất thất vọng nếu họ không nhận được sự trợ giúp kịp thời từ doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn.

Có lẽ bạn đã từng trải nghiệm điều này; Giả sử bạn đặt mua một mặt hàng từ một cửa hàng trực tuyến và họ hứa sẽ giao hàng sau hai ngày. Tuy nhiên, sáu ngày sau bạn vẫn chưa nhận được gói hàng của mình và họ cũng không thông báo về việc chậm trễ. Quả là quá bực mình đúng không?

– Cải thiện thời gian vận chuyển

Thời gian vận chuyển nhanh kèm theo phí vận chuyển thấp là một trong những lợi thế lớn kích thích khách hàng thanh toán trên gian hàng của bạn.

Nếu bạn bán các sản phẩm trên Aliexpress thì hãy chọn các dịch vụ vận chuyển tốt để thay thế cho ePacket như: YunExpress, SF International.

Các dịch vụ vận chuyển tốt nhất trên Aliexpress thường có thời gian trung bình từ 15 – 20 ngày. Nếu bạn thấy nó vẫn còn chậm đối với khách hàng mục tiêu của mình thì có thể tìm kiếm các nhà cung cấp có kho hàng ở thị trường mà bạn đang kinh doanh.

– Tạo chính sách hoàn trả thân thiện

Việc trả lại hàng Dropshipping rất phức tạp vì hai lý do:

  • Người bán Dropshipping đa phần không có địa chỉ vật lý để có thể chuyển hàng trả lại trong khu vực của người nhận. Và việc gửi chúng trở lại nhà cung cấp (ở Trung Quốc) cũng không hề rẻ.
  • Thông thường, khách hàng trả lại sản phẩm thường sẽ yêu cầu hoàn lại tiền. Điều này khiến bạn mất đi các khoản như: tiền mua sản phẩm, phí vận chuyển và chi phí quảng cáo cho lần bán hàng đó.

Bất chấp những phức tạp kể trên thì việc đảm bảo quyền lợi và yêu cầu của khách hàng phải đặt lên hàng đầu nếu như bạn muốn tồn tại trên lĩnh vực này lâu dài.

Rất nhiều Dropshipper cảm thấy khó chịu khi nhận được yêu cầu hoàn tiền. Họ tìm cách né tránh, thậm chí phớt lờ những yêu cầu đó. Họ không hiểu rằng không phải lúc nào khách hàng cũng làm điều này với mục đích xấu. Đôi khi, cuộc sống xảy sự cố và khách hàng cần số tiền họ đã bỏ ra để mua sản phẩm của bạn. Thế là họ trả lại hàng.

Chúng ta hãy nhìn vào một số con số:

  • Lên đến 25% các mặt hàng mua trực tuyến bị trả lại. Khách hàng trả lại hàng vì nhiều lý do:

  • Gần 30% trường hợp trả lại hàng là do khách hàng cố tình đặt hàng nhiều hơn mức họ cần và sau đó trả lại những món hàng mà họ không thích khi nhận hàng.
  • Những khách hàng khác đặt hàng nhiều biến thể của cùng một mặt hàng và sau đó trả lại những mặt hàng không vừa. Điều này thường xảy ra với các mặt hàng thời trang.
  • Khách hàng trả lại đồ bị hỏng. Sự cố vỡ hầu như luôn xảy ra trong quá trình vận chuyển và chiếm phần lớn số hàng bị trả lại. Thiệt hại do vận chuyển chiếm tới 20% tổng số tiền hoàn trả. Hơn nữa, người ta ước tính rằng chi phí trung bình để thay thế các mặt hàng bị hỏng có thể cao hơn tới 17 lần so với chi phí vận chuyển sản phẩm ban đầu.
  • Các mặt hàng không đáp ứng được mong đợi của khách hàng. Trong nhiều trường hợp, mặt hàng không đáp ứng mô tả được cung cấp trên trang web. Đôi khi, đây là vấn đề minh bạch và trung thực từ phía người bán.

Như vậy chúng ta đã biết lý do tại sao khách hàng trả lại sản phẩm rồi, hãy làm các cách sau để giảm tỷ lệ này xuống nhé:

  • Luôn cung cấp những gì bạn đã hứa với khách hàng trên trang web của mình. Đừng bao giờ cố gắng lừa khách hàng mua sản phẩm của bạn bằng cách sử dụng hình ảnh đã được chỉnh sửa quá mức hoặc mô tả không chính xác về thông số kỹ thuật của sản phẩm. Nếu một chiếc áo phông là 70% cotton, hãy đảm bảo khách hàng biết. Đừng nói với họ rằng đó là 100% cotton.
  • Nếu bạn bán quần áo, hãy hướng dẫn cách đo cho từng khu vực địa lý. Khi khách hàng của bạn hiểu hệ thống đo lường sản phẩm của bạn, họ có khả năng đặt hàng kích thước chính xác mà họ muốn.
  • Gói tất cả các mặt hàng dễ vỡ trong bao bì bảo vệ và dán nhãn cho phù hợp. Công ty vận chuyển có thể sẽ xử lý chúng cẩn thận hơn nếu bạn chỉ ra rằng các mặt hàng đó dễ vỡ.

– Thanh toán thuận tiện

Nếu gian hàng của bạn được xây dựng trên Shopify thì là một thuận lợi rất lớn. Vì các quy trình thanh toán dựa trên nền tảng nãy đã rất tối ưu rồi, bạn không cần các thiết lập bổ sung phức tạp như Woocommerce.

Theo Baymard , có tới 69,99% người dùng bỏ rơi đơn hàng khi thanh toán. Giỏ hàng bị bỏ rơi vì nhiều lý do như:

  • Các khoản phí bất ngờ khi thanh toán .

Đừng làm khách hàng của bạn bất ngờ với các khoản phí trong quá trình thanh toán. Thường xuất hiện các hoản phí bổ sung như: Thuế, phí vận chuyển hoặc các khoản phí khác.

Hãy “thẳng thắn” về các khoản phí của bạn để khách hàng biết họ đang chấp nhận điều gì. Khi họ chấp nhận thì việc thanh toán sẽ trở nên đơn giản và ít khả năng trả hàng hơn.

Nếu sản phẩm của bạn có các khoản chi phí bổ sung thì hãy minh bạch nó trong phần mô tả sản phẩm.

  • Quá trình thanh toán nhanh chóng

Như đã nói ở trên, hãy làm cho quá trình này càng ngắn càng tốt. Các thao tác cơ bản như: nhập địa chỉ giao hàng, thông tin thanh toán và hoàn thành đơn hàng. Đừng thêm bất kỳ bước nào nếu không thực sự cần thiết.

  • Nhiều tùy chọn thanh toán

Có rất nhiều cổng thanh toán được tích hợp vào Shopify. Tùy thuộc vào gian hàng của bạn, khách hàng của bạn mà có những phương thức thanh toán phù hợp.

Khách hàng có thể thanh toán nhiều loại thẻ, nhiều ví thanh toán và cả thanh toán trả góp với Afterpay

Để khách hàng thanh toán nhanh nhất, dễ dàng và chấp nhận được nhiều phương thức nhất thì Stripe và Shopify Payment là lựa chọn tối ưu lúc này.

Mặc dù bạn có thể dùng Paypal hoặc 2Checkout để nhận thanh toán, nhưng quy trình thanh toán trải qua nhiều bước khiến khách hàng gặp khó khăn, từ đó làm tăng tỷ lệ bỏ rơi đơn hàng.

  • Đăng ký tài khoản

Việc đăng ký tài khoản có thể giúp bạn có danh sách khách hàng, từ đó sẽ thực hiện chiến dịch Email marketing. Tuy nhiên việc này có thể cản trở quá trình thanh toán của khách hàng. Vì vậy, nếu sản phẩm của bạn không cần phải đăng ký thành viên thì hãy bỏ qua bước này nhé.

2. Tăng giá trị thương hiệu của bạn.

Hãy để thương hiệu của bạn lên tiếng! Nó giúp khách hàng của bạn cảm nhận sự khác biệt so với các đối thủ khác trên thị trường. Các yếu tố thương hiệu như logo và trang web cần thu hút sự tò mò từ người lạ.

Một số điều làm tăng thêm giá trị cho thương hiệu của bạn:

– Xây dựng một trang web chất lượng cao

Có thể nói, trang web là bộ mặt của một cửa hàng trực tuyến, một đại lý bán hàng. Đó là một trong những điều đầu tiên khách hàng tương tác khi họ khám phá gian hàng của bạn.

Điều gì tạo nên một trang web chất lượng cao?

  • Thiết kế đẹp mắt

Shopify và các nền tảng tạo trang web thương mại điện tử hiện nay sẽ giúp bạn dễ dàng tạo ra một trang bán hàng chuyên nghiệp. Tuy nhiên để giao diện website đẹp mắt, chuyên nghiệp và phù hợp với ngách đang kinh doanh thì còn phụ thuộc vào bạn.

Bạn lựa chọn giao diện nào, tinh chỉnh màu sắc, bố cục ra sao để có một trang bán hàng bắt mắt thì đòi hỏi sự thẩm mỹ của mỗi người. Hãy luôn nắm bắt những xu hướng thiết kế mới để phù hợp với người xem bạn nhé.

  • Thời gian tải

53% khách truy cập trang web sẽ rời khỏi trang web (thoát) nếu trang web mất hơn ba giây để tải.

Tỷ lệ thoát cao cũng không tốt cho SEO. Đảm bảo tất cả các trang trên trang web của bạn mất ít hơn ba giây để tải.

Bạn hãy hạn chế dùng nhiều App, nén hình ảnh cũng như kiểm tra tốc độ tải trang của giao diện trước khi quyết định cài.

  • Khả năng tương thích

Tỷ lệ người dùng sử dụng thiết bị di động hiện nay là trên 80%, chính vì vậy trang bán hàng của bạn phải tương thích được trên các thiết bị khác nhau.

Khi lựa chọn giao diện cho trang web bạn cần kiểm tra kỹ xem nó có hiển thị tốt trên các thiết bị di động khác nhau hay chưa.

– Sử dụng logo và hình ảnh có độ phân giải cao

Một sai lầm nghiêm trọng là nhiều chủ cửa hàng thường không quan tâm nhiều đến Logo và hình ảnh trên website. Tuy đây là vấn đề nhỏ nhưng nó có thể phá hoại những nỗ lực của bạn sau đó. Sản phẩm bạn có rẻ và tốt đến đâu đi nữa nhưng hình ảnh thương hiệu sơ sài nó sẽ làm trang bán hàng của bạn trở nên không đáng tin cậy trong mắt khách hàng tiềm năng.

Tất cả hình ảnh phải là:

  • Được nén ở kích thước hợp lý để phục vụ những khách hàng có kết nối internet chậm. Nó cũng giúp trang web của bạn tải nhanh ở tất cả các thiết bị.
  • Tối ưu hóa về độ phân giải. Điều này giúp cho hình ảnh được hiển thị đầy đủ và ngăn chặn tình trạng tràn khung trên các thiết bị di động

– Viết mô tả chi tiết sản phẩm

Mô tả sản phẩm là một bức tranh! Bằng cách sử dụng từ ngữ, bạn vẽ nên một bức tranh sống động về sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Trên hết, nội dung trên mô tả sản phẩm sẽ làm gia tăng cảm xúc của khách hàng, từ đó dẫn đến quyết định mua sản phẩm nhanh hơn.

Nếu nội dung của bạn nhạt nhẽo, khách hàng sẽ lướt qua nó mà không cần chớp mắt. Tệ hơn nữa, những mô tả kém có thể khiến khách hàng mất hứng thú với việc mua sản phẩm.

– Thêm phần Câu hỏi thường gặp

Dù trang web của bạn có đẹp mắt, hoành tráng đến cỡ nào thì thứ khách hàng cần nhất vẫn là thông tin mà nó cung cấp.  Họ sẽ muốn biết những điều như:

  1. Đơn đặt hàng của họ sẽ mất bao lâu để đến nơi.
  2. Bạn sử dụng loại vải nào để may trang phục của mình?
  3. Bạn sử dụng hệ thống đo lường nào?
  4. Điện áp đầu vào của sản phẩm bạn bán là bao nhiêu? 
  5. Chất liệu là gì? Có an toàn cho sức khỏe không?

Khách hàng không thể kiên nhẫn để tổng hợp thông tin hay lục tìm nó ở một “xó” nào đó trên website của bạn. Vì thế hãy trình bày nó thật chi tiết, dễ hiểu và hiển thị ở nơi mà khách hàng dễ tìm đến nhất.

Câu hỏi thường gặp sẽ giúp giải quyết những vấn đề sau:

  1. Thông tin chi tiết . Chúng cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các câu hỏi mà khách hàng xem nhiều hơn. Với thông tin này, bạn có thể xác định mối quan tâm của khách hàng về sản phẩm của mình, từ đó giúp bạn cải thiện.
  2. Nó trả lời các câu hỏi khi bạn không có mặt để trả lời chúng . Câu hỏi thường gặp luôn có sẵn trên trang web. Khách hàng có thể giảm bớt những nghi ngờ về sản phẩm hoặc quy trình của bạn mà không cần sự hỗ trợ của bạn.
  3. Xây dựng niềm tin . Bạn có thể sử dụng Câu hỏi thường gặp để nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp mình và tạo dựng niềm tin. Việc giải thích các quy trình và các khía cạnh quan trọng của công việc kinh doanh của bạn  sẽ tạo ra ấn tượng rằng bạn không có gì phải giấu giếm.
  4. Tăng cường SEO của bạn . Các công cụ tìm kiếm như Google thích những câu trả lời trực tiếp. Khi bạn trả lời trực tiếp các câu hỏi của khách hàng, họ có xu hướng nán lại, làm giảm tỷ lệ thoát của bạn.

    Tỷ lệ thoát thấp cho công cụ tìm kiếm biết rằng người dùng thích trang web của bạn.

 3. Tăng giá trị cảm nhận về sản phẩm của bạn

Mỗi sản phẩm trong gian hàng của bạn đều có giá trị thực và hoàn toàn có thể cảm nhận được.

Giá trị thực của một sản phẩm, nói một cách đơn giản là tổng số tiền bạn bỏ ra để sản xuất ra sản phẩm đó. Đối với mô hình kinh doanh dropshipping thì đây là số tiền bạn trả cho nhà cung cấp của mình.

Giá trị cảm nhận của một sản phẩm là số tiền mà khách hàng nghĩ rằng sản phẩm đó có giá trị đối với họ, tùy thuộc vào mức độ hữu ích mà nó được cảm nhận khác nhau.

Ví dụ: một chiếc áo thun có chi phí sản xuất là 10 USD có thể có giá 40 USD trên trang web của bạn và 2.000 USD trên trang web của Louis Vuitton.

Điều này có vẻ hài hước nhưng một số khách hàng sẽ bỏ qua chiếc áo thun trị giá 40 USD của bạn và mua nó từ Louis Vuitton với giá 2.000 USD vì giá trị cảm nhận của sản phẩm. Ở Louis Vuitton, họ không chỉ đơn giản là mua một chiếc áo thun mà họ còn mua quyền được khoe khoang với bạn bè.

Đôi khi, giá trị cảm nhận tăng lên hàm ý giá trị thực tăng lên. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng.

Một số gợi ý về các cách bạn có thể tăng giá trị cảm nhận về sản phẩm của mình:

  1. Tùy chỉnh sản phẩm tại các thị trường bão hòa . Trong một thị trường có sự cạnh tranh gay gắt; bạn phải nổi bật. Ví dụ: nếu bạn bán áo thun, bạn có thể sử dụng loại vải tùy chỉnh mà các nhà cung cấp khác chưa tiếp cận được.
  2. Bán theo nhómCó thể kết hợp sản phẩm của bạn với các sản phẩm có liên quan với mức giá chiết khấu hợp lý. Ví dụ: kết hợp áo thun với tất hoặc áo hoodie phù hợp với mức giá chiết khấu có thể mang lại nhiều khách hàng hơn cho bạn.
    Khách hàng sẽ mua hàng của bạn vì nhận thức rằng họ nhận được nhiều hơn với chi phí thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh.
  3. Cung cấp kiến ​​thức chuyên môn về sản phẩm. Tất cả những gì khách hàng nhìn thấy ở chiếc áo thun của bạn có thể chỉ là một chiếc áo thun như bao nhiêu cái khác. Tuy nhiên, hãy cho khách hàng của bạn biết loại vải đó hiếm đến mức nào và bạn đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn để sản xuất được nó. Người ta thích sở hữu những món đồ quý hiếm.
  4. Cung cấp mã giảm giá cho người mua thường xuyên. Hãy cho khách hàng của bạn biết rằng mỗi món hàng thứ ba hoặc thứ tư họ mua từ bạn sẽ luôn được giảm giá. Ngoài ra, bạn có thể giảm giá cho họ nếu tổng đơn hàng của họ vượt quá một số tiền nhất định.

Kết luận

Giá trị gia tăng là nền tảng của một dự án kinh doanh thành công và nó mang đến kết quả lâu dài đến cho bạn. Tất nhiên việc này có vẻ không phù hợp lắm với những ai kinh doanh những sản phẩm theo xu hướng ngắn hạn, “đánh nhanh rút gọn”.

Giá trị gia tăng không phải là thứ bạn đạt được trong một ngày hoặc một tháng. Đó là một quá trình liên tục. Nó đòi hỏi sự hiểu biết về khách hàng (mới và hiện tại) cũng như nhận thức về những giá trị mà khách hàng sẽ nhận được từ bạn.

Chúc bạn thành công

[Duy Alex]

5/5 - (1 bình chọn)

Thân tặng bạn cuốn Ebook về Dropshipping với Tiktok!

Tải xuống và thực hành nhé.

Gửi nhận xét của bạn

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *